Nghệ thuật quân sự Quân đội nhà Tây Sơn

Không vội vã, che giấu quân, thám thính trước

Khi tiến quân xuống phía Nam, để chuẩn bị đánh quân Xiêm, Nguyễn Huệ không vào thành Gia Định (nơi tướng Tây Sơn Trương Văn Đa đang đóng giữ), mà cho đóng quân tại Mỹ Tho, nhằm che giấu lực lượng và tiến hành do thám tình hình để lập kế đánh Xiêm.

Lựa chọn điểm quyết chiến[20]

Trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã chọn khúc sông Mỹ Tho, đoạn từ cửa sông Rạch Gầm đến cửa sông Xoài Mút làm khu vực tác chiến chủ yếu để tiêu diệt quân Xiêm. Rạch Gầm và Xoài Mút là hai con sông nhỏ, nhưng giữ vị trí quan trọng trong kế hoạch của quân Tây Sơn. Thủy binh Tây Sơn có thể bố trí ở hai rạch này tạo thành hai mũi tiến công lợi hại chặn đầu và khóa đuôi toàn bộ đội hình quân Xiêm, khi chúng lọt vào trận địa chuẩn bị sẵn đó.[21] Khoảng giữa cửa sông Rạch Gầm và cửa sông Xoài Mút có các cù lao Thái Sơn, cù lao Hộ là nơi thuận lợi để bộ binh Tây Sơn bí mật triển khai pháo binh sẵn sàng đánh vào sườn đội hình quân địch và đón đánh những nhóm quân Xiêm liều mình đổ bộ lên bờ. Những nhánh sông nằm giữa các cù lao và bờ phía nam sẽ là những nơi mai phục và xuất phát của đội thuyền chiến Tây Sơn.

Tác chiến ban đêm

Các trận chiến đấu chủ yếu thường được tiến hành vào nửa đêm và kết thúc trước khi trời sáng, quân Tây Sơn dành thời gian ban ngày cho việc trú quân kín đáo và chuẩn bị đánh khi thời điểm đến. Khoảng thời gian này là một lợi thế trong chiến đấu.[22]

Đánh nghi binh[23]

Trong lần kéo quân ra bắc đầu tiên với danh nghĩa "phò Lê diệt Trịnh", thủy quân Tây Sơn bị quân của chúa Trịnh Khải bao vây trên sông Vị Hoàng. Gặp gió đông thổi mạnh, Nguyễn Huệ sai lấy tượng gỗ để trên mấy chiếc thuyền, rồi cho đánh trống, kéo cờ, thả thuyền cho trôi đi. Tướng của Trịnh Khải là Đinh Tích Nhưỡng, tưởng quân Tây Sơn tới đánh bèn dàn thuyền chiến, rồi truyền quân sĩ lấy súng bắn cho đến khi hết đạn mới biết người trên thuyền là tượng gỗ. Lúc này, quân Nguyễn Huệ ùa tới đánh, quân của Nhưỡng không chống cự nổi phải bỏ thuyền mà trốn. Các cánh quân khác của chúa Trịnh cũng bị đánh tan, thành Sơn Nam bị hạ.

Trong lần đánh Xiêm, chỉ sau khi đã bố trí xong lực lượng, Nguyễn Huệ mới chủ động cho quân tới khiêu chiến, nhằm kéo quân Xiêm đến đoạn sông đã chuẩn bị trước để tiêu diệt. Quân Xiêm do khinh thường nên đã mắc mưu.[21]

Trong lần đánh Thanh, ngày 20 Tháng Chạp, khi quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ (lúc đó đã lên ngai lấy hiệu là Quang Trung) chỉ huy tiến đến núi Tam Điệp, các tướng Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm, Phan Văn Lân đến chịu tội vì đã rút lui làm cho quân Thanh tràn vào Thăng Long. Tưởng đắc tội, không ngờ Quang Trung-Nguyễn Huệ cười:

"Lui quân để tránh thế giặc, trong khuyến khích tướng sĩ, ngoài làm cho giặc phấn khích, kiêu ngạo, dụ địch vào chỗ hiểm yếu của ta như thế là phải. Các khanh không có tội chi cả. Chúng nó sang đây là mua lấy cái chết đó thôi, ta đã định mẹo cả rồi".

Không những vậy, để làm tăng thêm lòng kiêu căng của quân Mãn Thanh, Nguyễn Huệ còn sai Trần Danh Bình cầm đầu sứ bộ 8 người mang lễ vật và thư đến tha thiết xin Tôn Sĩ Nghị dừng quân để tra xét rõ: vì sao Tây Sơn phải thay quyền nhà Lê. Sứ bộ còn trả lại cho Tôn Sĩ Nghị 40 người Trung Hoa do tướng cướp Đắc Thiện Tống bắt và sau đó quân Tây Sơn bắt được Tống. Quả thật, Tôn Sĩ Nghị kiêu căng sai chém đầu Trần Danh Bình, luôn cả Đắc Thiện Tống và cầm tù đoàn sứ giả. Trong lúc đó, vua Quang Trung bí mật chỉnh đốn quân tướng, chuẩn bị chiến trận, quyết một trận đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi Đại Việt. Vào sáng 30 Tháng Chạp, trước khi ra lệnh tấn công, Quang Trung nói:

"Ta đến mà địch không biết là địch ngủ ta thức, ta đánh mà địch không đề phòng là ta chém kẻ tay không. Ta nhất định thắng..."

Chính yếu tố bí mật, quân Thanh không nắm được lực lượng của Tây Sơn lại thêm thói khinh thường, đến khi bất ngờ bị tấn công thì không còn kịp chống đỡ.

Phục kích trên sông và Phối hợp tác chiến thủy-bộ

Tại Rạch Gầm-Xoài Mút, trước khi diễn ra trận đánh, Nguyễn Huệ sai người đi thám sát tình hình thực địa, nắm chắc quy luật con nước, đặc điểm các luồng, lạch, cửa sông và địa thế hai bên bờ để bố trí lực lượng. Nguyễn Huệ cho triển khai lực lượng tại khu vực đã được lựa chọn từ trước. Từ Rạch Gầm tới Xoài Mút, ngoài việc lựa chọn bố trí lực lượng thủy quân tinh nhuệ, Nguyễn Huệ còn cho bố trí tập trung đại bác và lực lượng quân bộ ở hai bên bờ để sẵn sàng giáp chiến, bảo đảm khóa chặt quân địch khi chúng đi vào địa bàn tác chiến. Hai bên sườn trận địa mai phục, quân Tây Sơn còn bố trí xen kẽ lực lượng thủy quân ở các luồng, lạch, nhánh sông kết hợp với bộ binh, sẵn sàng đánh vào bên sườn đội hình địch cả trên sông, trên bộ.[24]

Đánh tốc chiến[17]

Trong bức thư của giáo sỹ tên là Le Breton, ghi ngày 02-08-1788, ông viết: "Như thế Nguyễn Huệ đã trở về Phú Xuân vào đầu tháng 7. Ông đã bắt quân phải về gấp rút đến nỗi có nhiều binh sĩ chết vì mệt mỏi và nắng nực. Ngay cả voi ngựa cũng chết" Lúc ra Thăng Long bắt giết Vũ Văn Nhậm, từ Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã tự đốc thức bộ binh, kỵ binh ngày đêm tiến binh. Chừng hơn 10 ngày đã đến Thăng Long. Trong Nhật ký của Giáo hội Truyền giáo Bắc Hà gửi về cho Giáo hội Trung ương có thuật lại sức tiến quân vũ bão của hoàng đế Quang Trung: "Ông (Nguyễn Huệ) tiến như vũ bão ra Bắc và chỉ mất có 10 ngày, không quản đường xa khó nhọc đã giết chết nhiều ngựa voi của ông, trong khi người khác phải mất 3 hay 4 ngày". Với quãng đường dài hơn 600 trăm cây số, thời gian di chuyển chỉ mất 10 ngày; đường sá lại bị núi sông cách trở, việc di chuyển cả một đoàn quân lớn như vậy thật là phi thường. Sức ngựa voi mà còn chịu không nổi phải chết dọc đường huống hồ sức người.[19]

Tấn công bất ngờ

Không chỉ tấn công thần tốc[25] mà chiến thuật đi đôi của Quang Trung là tấn công bất ngờ,[17] đánh vào những thời điểm đối phương không thể ngờ tới, việc phòng bị của họ lơ là vì vậy dẫn đến bại trận.[22]

Trong cuộc tấn công ra bắc vào 1786, trong khi tướng sĩ phía Trịnh mất cảnh giác, thì quân Tây Sơn bắt đầu lên đường ngày 28 tháng 4 âm lịch tức 25 tháng 5 năm 1786.[26] Đến trung tuần tháng 5 âm lịch năm 1786, đạo quân bộ của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tập kích bất ngờ nơi này, quân Trịnh không kịp trở tay. Hoàng Nghĩa Hồ mang quân ra chống cự bị tử trận.[27] Đánh chiếm được Hải Vân, Nguyễn Huệ lập tức thúc quân tiến thẳng ra Phú Xuân. Lần thứ 2, quân Trịnh lại bất ngờ. Trịnh Tông tập trung ở bến Tây Long, có 100 voi chiến,[27] tổng cộng 30.000 quân Trịnh phòng thủ Thăng Long. Trong tình thế nguy cấp biết trước sẽ bị tấn công, quân Trịnh vẫn không cảnh giác, cho rằng quân Tây Sơn chưa thể tiến đến Thăng Long nhanh chóng.[28] Cuối cùng, chính quyền chúa Trịnh sụp đổ.

Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (15 tháng 1 năm 1789), quân Tây Sơn đã ra đến tận Ninh Bình. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung nói với binh sĩ rằng chỉ trong 10 ngày sẽ quét sạch quân Thanh. Quân Mãn Thanh và Lê Chiêu Thống đang trong thời gian chuẩn bị ăn Tết đã không phòng bị tốt, cộng với thói kiêu ngạo của Tôn Sĩ Nghị khiến họ thật sự bất ngờ. Sớm hơn cả dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày kể từ đêm 30 Tết âm lịch, quân Tây Sơn đã đánh tan vỡ quân Thanh. Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu - 1789, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị dẫn tàn quân bỏ chạy, trên đường chạy liên tiếp bị quân Tây Sơn mai phục chặn đánh. Cuối cùng, Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống chạy thoát về Trung Quốc.

Sử dụng hỏa lực

Một yếu tố tạo nên sức mạnh vượt trội của quân đội Tây Sơn là việc sử dụng phổ biến và tập trung số lượng lớn vũ khí thuốc súng. Các loại vũ khí cầm tay như hỏa hổ gọn nhẹ đã được trang bị cho toàn quân. Ngoài ra còn sử dụng hỏa cầu lưu hoàng giống như một loại lựu đạn cỡ lớn. Điều này đã tăng khả năng chiến đấu trong quân đội. Đại bác cũng sử dụng với số lượng lớn. Các loại vũ khí thuốc súng được kết hợp với đội hình voi chiến, từ lưng voi binh lính sử dụng cả pháo, hỏa hổ, hỏa cầu lưu hoàng.[17] Trong trận đánh ở chiến lũy Trấn Ninh (Quảng Bình) vào năm 1802, quân Tây Sơn đã huy động cả ngàn khẩu pháo. Ngày 20 tháng 1 năm 1785, hỏa hổ và hỏa cầu lưu huỳnh Tây Sơn đã tấn công dữ dội hơn 300 thuyền chiến Xiêm La trong Trận Rạch Gầm – Xoài Mút.[8][7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quân đội nhà Tây Sơn http://nghiencuuquocte.org/2015/11/01/quang-trung-... http://www.votrandaiviet.org/chi-tiet-ban-sac-viet... http://baoapbac.vn/dat-nuoc-con-nguoi/201501/ve-vu... http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/18537/cun... http://baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/200902/Pha... http://www.baobinhdinh.com.vn/568/2003/10/6407/ http://www.baobinhdinh.com.vn/568/2003/6/4407/ http://www.baobinhdinh.com.vn/datnuoc-connguoi/200... http://khucquanhanh.vn/index.php?option=com_conten... http://soha.vn/kham-pha/suc-manh-khong-the-tin-noi...